Điện mặt trời mái nhà có cần được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy?

Mới đây, ngày 08/9/2020, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) đã ban hành văn bản số 3288/C07-P4 hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Vậy những hệ thống nào phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy? Hệ thống điện mặt trời mái nhà hộ gia đình có cần thẩm duyệt này không?

Theo văn bản hướng dẫn của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), các hệ thống điện mặt trời mái nhà phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy là các hệ thống lắp đặt trên mái của công trình thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy (quy định tại Phụ lục IV, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/7/2014). Cụ thể, khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, học viện, trường đại học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên, bảo tàng, cảng hàng không, cửa hàng xăng dầu… bắt buộc phải được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy. (Xem chi tiết danh mục 20 loại dự án, công trình cần được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy ở cuối bài viết)

Với các công trình không thuộc danh mục trên, không cần thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy nhưng phải được hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Theo đó, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khuyến khích sử dụng tấm pin dạng tinh thể và ưu tiên lựa chọn các tấm pin đạt các thử nghiệm về khả năng chịu lửa để lắp đặt cho hệ thống điện mặt trời mái nhà, khuyến cáo ưu tiên sử dụng micro-inverter. Về bố trí thiết bị, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khuyến cáo không lắp đặt tấm pin mặt trời phía trên các gian phòng thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ A, B cũng như các gian phòng khác mà trong quá trình hoạt động có khả năng tích tụ khí, bụi cháy; hạn chế việc bố trí tấm pin trên các gian phòng làm kho hoặc các gian phòng lưu trữ khối lượng lớn chất cháy. Giàn pin mặt trời lắp đặt trên mái nhà được khuyến cáo chia thành các nhóm, dãy với kích thước không quá 40x40m cho mỗi nhóm, khoảng cách giữa 2 nhóm không được nhỏ hơn 1,5m; không bố trí tấm pin trong phạm vi 3m xung quanh lối ra các mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy, các lỗ mở qua cửa sập. Ngoài ra, khi lắp đặt tấm pin mặt trời và các thiết bị khác của hệ thống điện mặt trời mái nhà phải tính toán tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu mái trong điều kiện thường và trong điều kiện cháy; không lắp đặt tấm pin trên các mái làm bằng vật liệu cháy hoặc có vật liệu hoàn thiện là chất cháy. Chi tiết đầy đủ các khuyến cáo của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, bạn hãy xem ở văn bản số 3288/C07-P4 bên dưới.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà hộ gia đình không cần thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy nhưng nên thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn để tránh rủi ro cháy nổ

* Danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Phụ lục IV, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ban hành ngày 31/7/2014):

  1. Dự án quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; dự án xây dựng mới hoặc cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện trở lên.
  2. Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề, trường phổ thông và các loại trường khác có khối lớp học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên.
  3. Bệnh viện cấp huyện trở lên; nhà điều dưỡng và các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh khác có quy mô từ 21 giường trở lên.
  4. Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc có sức chứa từ 300 chỗ ngồi trở lên; nhà thi đấu thể thao trong nhà có sức chứa từ 200 chỗ ngồi trở lên; sân vận động ngoài trời có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên; vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người có khối tích từ 1.500 m3 trở lên; công trình công cộng khác có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
  5. Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà lưu trữ cấp tỉnh trở lên; nhà hội chợ, di tích lịch sử, công trình văn hóa khác cấp tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
  6. Chợ kiên cố cấp huyện trở lên; chợ khác, trung tâm thương mại, siêu thị có tổng diện tích gian hàng từ 300 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
  7. Công trình phát thanh, truyền hình, bưu chính viễn thông cấp huyện trở lên.
  8. Trung tâm chỉ huy, điều độ, điều hành, điều khiển quy mô khu vực và cấp tỉnh trở lên thuộc mọi lĩnh vực.
  9. Cảng hàng không; cảng biển, cảng đường thủy nội địa từ cấp IV trở lên; bến xe ô tô cấp huyện trở lên; nhà ga đường sắt có tổng diện tích sàn từ 500 m2 trở lên.
  10. Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
  11. Trụ sở cơ quan hành chính nhà nước cấp xã trở lên; trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
  12. Công trình thuộc cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.
  13. Công trình tàu điện ngầm; hầm đường sắt có chiều dài từ 2.000 m trở lên; hầm đường bộ có chiều dài từ 100 m trở lên; gara ô tô có sức chứa từ 05 chỗ trở lên; công trình trong hang hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ và có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
  14. Kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công trình xuất nhập, chế biến, bảo quản, vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật liệu nổ công nghiệp.
  15. Công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E thuộc dây chuyền công nghệ sản xuất chính có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
  16. Cửa hàng kinh doanh xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên; cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa từ 70 kg trở lên.
  17. Nhà máy điện (hạt nhân, nhiệt điện, thủy điện, phong điện…) trạm biến áp có điện áp từ 110 KV trở lên.
  18. Nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu; nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay.
  19. Nhà kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc có bao bì cháy được có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
  20. Công trình an ninh, quốc phòng có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc có yêu cầu bảo vệ đặc biệt./.
Theo thống kê, tỷ lệ nguy cơ các tấm pin năng lượng mặt trời bắt lửa là 0.00125%, thấp hơn các thiết bị điện khác. Rất hiếm khi xảy ra trường hợp liên quan đến hỏa hoạn do hệ thống điện năng lượng mặt trời. Trong khoảng 20 năm qua, chỉ có 0,006% hệ thống điện năng lượng mặt trời được lắp đặt gặp rủi ro cháy nổ, tức 75 vụ trên tổng cộng hơn 1,3 triệu hệ thống.Một số nguyên nhân khiến hệ thống mặt trời gây hỏa hoạn: dây dẫn điện bị đứt hoặc hư hỏng, quy trình lắp đặt và sử dụng không đúng cách dẫn đến xung đột dòng điện… Ngoài ra, có một nguyên nhân là điện áp của hệ thống tăng đột ngột vượt ngưỡng cho phép xuất phát từ lý do lưới điện hoặc có sấm sét đánh mạnh gần khu vực hệ thống. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ, nguy hiểm cho người sử dụng, việc thiết kế, lắp đặt hệ thống điện mặt trời phải tuân theo các tiêu chuẩn an toàn. Hộ gia đình, doanh nghiệp có nhu cầu lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà nên lựa chọn đơn vị thi công chuyên nghiệp, uy tín, có bề dày kinh nghiệm trong ngành để đảm bảo hệ thống được lắp đặt chuẩn về kỹ thuật, tránh những rủi ro không đáng có.

Các thông tin trên là những thông tin cơ bản, để có bảng giá chi tiết và thông số thiết bị xin vui lòng email info@savisun.com,

hoặc gọi số  0939.926.795 – 038.304.434

để kỹ sư tư vấn của SAVISUN Solar hỗ trợ.0939.926.795 – 038.304.434

Tải

Hoặc truy cập vào webpccc.com  hay liên hệ PCCC gần Nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *